Đại đô thị - xu hướng quy hoạch đô thị hiện đại
Mô hình đại đô thị với việc trang bị đầy đủ hệ sinh thái trong một khu vực, từ nhà ở, cửa hàng, trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, trường học, bệnh viện,… đang dần trở nên phổ biến trong quy hoạch đô thị hiện đại.
Tám giờ sáng, cạnh bệnh viện Vimec thuộc khu đại đô thị Times City, các tuyến xe buýt của thành phố liên tục cập bến. Phía bên kia đường Minh Khai, đối diện cổng Times City, xe buýt của khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) cũng tạm dừng để khách xuống. Đó là quang cảnh một ngày làm việc bình thường nơi đây.
Không như nhiều tòa nhà công sở khác trong thành phố, nhân viên văn phòng tại Times City đã dần quen thuộc với việc đi bộ và đi xe buýt, do sự thuận tiện nhất định so với phương tiện cá nhân. Nữ nhân viên văn phòng ở đây thường đi giày và sandals thấp gót để tiện đi lại.
Mô hình đại đô thị như Times City đang tháo gỡ phần nào bài toán quy hoạch giao thông đô thị trên địa bàn thành phố.
Những ý tưởng Đại đô thị đầu tiên
Những nền móng tư tưởng đầu tiên cho khái niệm đại đô thị thực sự gắn với tên tuổi nhà phê bình Jane Jacobs với cuốn sách xuất bản năm 1961: Cái chết và sự sống tại các thành phố nước Mỹ (The Death and Life of Great American Cities). Cuốn sách đã làm thay đổi những suy nghĩ lối mòn từ trước đó về quy hoạch đô thị. Bà ủng hộ tính đa dạng của một cộng đồng cư dân, và cho rằng đó là hình thức hoàn hảo của một đô thị, nơi người nghèo, những cộng đồng nhỏ có tiếng nói, không bị lép vế… Bà ủng hộ những con phố đi bộ trong thành phố, những vỉa hè được sử dụng hiệu quả trong việc giao tiếp, kết nối con người với nhau… Một vỉa hè lành mạnh, theo Jacobs, là một vỉa hè nơi đó những con người xa lạ sẽ tự động nhìn vào nhau, bảo vệ nhau, chứ không phải là nơi cần sự có mặt của cảnh sát…. Tất cả những ý tưởng đó, đều dẫn đến một kết quả: thành phố phải tăng mật độ, đảm bảo sự đa dạng tự nhiên của cộng đồng.
Một đại đô thị với định nghĩa như vậy cần có đầy đủ cơ sở hạ tầng, bao gồm bệnh viện, trường học, khu vui chơi, mua sắm, giải trí…. thậm chí cả công việc, đáp ứng nhu cầu của mọi cư dân. Với thiết kế nhỏ gọn, thành phố sẽ ưu tiên việc đi bộ và xe đạp, di chuyển trong nội bộ thành phố. Vai trò của vỉa hè, vì vậy, rất được chú trọng. Xây dựng các toà nhà cao tầng với sức chứa lớn cũng góp phần giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích đất trồng cây xanh và tạo cảnh quan công cộng.
Trong chưa đầy nửa thế kỷ, dân số thế giới đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 3,7 tỷ người năm 1970 lên 7,8 tỷ người năm 2019, theo dữ liệu từ World Bank. Áp lực tăng dân số, đặc biệt tại các nước đang phát triển - cùng với tốc độ đô thị hoá mau chóng, khiến tỷ lệ cư dân đô thị ngày càng tăng - các đô thị phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong vận hành: ô nhiễm môi trường, không gian chung bị thu hẹp, diện tích cây xanh sụt giảm, tắc đường,…
Theo dự báo của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá toàn cầu sẽ đạt khoảng 50%, tức là một nửa dân số thế giới sẽ sống trong các khu đô thị. Trong khi đó con người ngày càng cần nhiều không gian hơn cho cây xanh, cho đường sá và các công trình công cộng. Khó có thể có một phương án hoàn hảo để người ta vừa có không gian sống rộng rãi, tiện nghi hơn, đồng thời môi trường trong lành hơn, đường sá thông thoáng hơn…
Trái với mong muốn sống trong môi trường trong lành, nhiều cây xanh, đường sá thông thoáng, giao thông thuận tiện, mật độ dân số tại các khu đô thị tăng nhanh chóng đặt bài toán mới cho công tác quy hoạch đô thị.
Tiếp cận quy hoạch đô thị theo hướng thành đại đô thị đa chức năng dường như là giải pháp cho những vấn đề ngày nay.
Đại đô thị hiện đại
Năm 2010, trong Triển lãm kiến trúc quốc tế tổ chức tại Venice (Ý), mô hình đô thị “1000 Singapores” đã được trình bày, giới thiệu hướng thiết kế thành phố nhỏ gọn của quốc gia phồn thịnh nhất Đông Nam Á. Ý tưởng này cho rằng, nếu mô hình thành phố tại Singapore được nhân ra 1000 lần trên khắp thế giới, sẽ giúp giữ gìn lại khoảng 99,5% cảnh quan thiên nhiên.
Là thành phố nổi tiếng với các toà nhà chọc trời, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, Singapore vẫn duy trì khoảng một nửa diện tích được phủ xanh. Từ sân bay vào trung tâm thành phố, Singapore như một khu rừng. Mọi chuyện đột ngột thay đổi khi người ta nhìn thấy những toà nhà cao tầng đầu tiên. Singapore tổ chức đô thị theo hướng gần gũi nhất với thiên nhiên, trồng rất nhiều cây ở ngay các khu cao ốc. Khi đứng ở một tầng bất kỳ trong các toà nhà, đôi khi người ta vẫn lẫn lộn là mình đang ở mặt đất, do các loại cây được trồng dày đặc, có khi là các loại cây lớn, lâu năm.
Tổ chức đô thị theo hướng đa chức năng là một việc làm bất khả kháng của Singapore, đất nước có diện tích chỉ trên 720 km2, tương đương một phần ba diện tích thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại mật độ dân số Singapore đã đạt trên 8.100 người/km2. Tập trung dân cư tại trung tâm thành phố, dành phần lớn khu ngoại ô cho rừng, người dân Singapore hầu như không phải đi lại quá xa để đến nơi làm việc, tìm nhà hàng ăn uống, hay đến trung tâm mua sắm, đi khám chữa bệnh….
Ngoài Singapore, một đại diện khác từ châu Á là Hong Kong cũng đang tổ chức quy hoạch theo hướng đa chức năng. Hong Kong là một trong ba thành phố trên thế giới (hai thành phố còn lại là New York và Tokyo) được mệnh danh là thành phố chiều thẳng đứng với mật độ dày đặc những toà nhà chọc trời. Mật độ dân cư tại Hong Kong hiện nay ở vào khoảng 7.100 người/km2, thấp hơn Singapore.
Tổ chức đô thị kiểu Hong Kong, một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, giúp thành phố duy trì được hệ thống giao thông thoáng đãng. Giao thông công cộng tại Hong Kong chiếm khoảng 90%, đưa thành phố này thành nơi có tỉ lệ giao thông công cộng lớn nhất thế giới. Ngoài các phương tiện phổ biến như taxi, xe buýt, phà, hệ thống giao thông công cộng của Hong Kong còn có các loại tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, đường sắt… Hệ thống này giúp người dân dễ dàng ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, thay vì sở hữu riêng mình những chiếc xe ô tô cá nhân.
Đại đô thị ở Việt Nam
Khác với Singapore hay Hong Kong, hầu hết các thành phố hiện tại, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam, đang được tổ chức theo một xu hướng không nhất quán, là khu đô thị ngổn ngang với các điều kiện hạ tầng cơ bản thiếu đồng bộ, do đó vận hành thiếu hiệu quả.
Thói quen ở nhà ống, là loại nhà với chiều rộng mặt đường tương đối hẹp, diện tích được kéo sâu vào phía trong, phù hợp với mô hình buôn bán nhỏ tại các khu đô thị kiểu cũ, với hình thức vận chuyển chủ yếu bằng xe máy. Tuy nhiên, sức ép dân cư không cho phép mô hình nhà ở dạng ống, cũng như hình thức vận chuyển bằng xe máy tồn tại lâu dài thêm nữa. Cấu trúc đô thị thay vì trải rộng ra, đã được sắp xếp theo hướng “chồng lên nhau” - là khởi điểm của các khu nhà cao tầng, khu chung cư, khu đô thị hiện đại.
Một số doanh nghiệp bất động sản đã nhanh chóng đón đầu xu hướng đó, trước khi thành phố có một quy hoạch đầy đủ, chuẩn mực với tầm nhìn xa hàng chục năm.
Khu đại đô thị Times City được xây dựng từ năm 2011 với tổng diện tích sàn trên 2 triệu m2. Times City là nơi Vingroup tổ chức một hệ sinh thái tương đối đầy đủ, từ trường học VinSchool, bệnh viện Vinmec, siêu thị Vinmart, khu vui chơi thuỷ cung, … cùng các doanh nghiệp khác như các chuỗi nhà hàng, giải trí, xem phim…
Với quy mô dân số và mức độ tập trung cao, những khu đại đô thị như Times City giải quyết được bài toán về hạ tầng dịch vụ trong khu đô thị. Tại đây, hầu như toàn bộ nhu cầu thường nhật của người dân đều được đáp ứng, từ ăn uống, vui chơi, học tập, khám và chữa bệnh… Không khó để thấy khung cảnh xếp hàng đông đúc nhộn nhịp tại rạp chiếu phim CGV nằm trong Times City sau nửa đêm. Phần lớn trong số đó là cư dân của khu đô thị. Cộng đồng hàng chục nghìn cư dân tại đây cũng hình thành một chợ ảo buôn bán trao đổi hàng hóa từ đồ ăn, đồ điện tử, các loại đặc sản vùng miền… thông qua Facebook.
Đáp ứng hầu hết nhu cầu trong một khu dân cư giúp Times City giữ một số lượng lớn cư dân ở trong khu đô thị của mình, giảm lưu lượng giao thông đáng kể trong thành phố.
Những khu đại đô thị như Times City hay Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes West Point,… đang thu hút một lượng lớn cư dân do sự tiện lợi trong sinh hoạt với đầy đủ cơ sở hạ tầng, chức năng.
Khi cư dân tập trung đủ đông đúc, các tuyến xe buýt của Vingroup và của thành phố sẽ kết nối giao thông các đại đô thị với nhau và với các trung tâm khác trong thành phố. Thói quen sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đang được hình thành, giải quyết tương đối hiệu quả bài toán giao thông trên phạm vi toàn thành phố.
Nếu hình dung các luồng giao thông là các bình thông nhau, thì việc hình thành các khu đại đô thị là cách tạo thêm những nhánh rẽ mới, giảm áp lực đến các đường ống chính.
Áp lực mà hệ thống giao thông đang phải chịu đến từ việc tổ chức hệ thống giao thông chưa thực sự thông minh, dẫn đến việc quá tải. Vấn đề của hệ thống đô thị Việt Nam là giải quyết giao thông bằng cách tăng mật độ sống tại các khu chung cư/khu đô thị, trong khi đó dành diện tích còn lại để mở rộng đường sá, tăng lưu lượng.
Sống trong một khu đô thị đông đúc không phải là mơ ước của phần lớn mọi người. Họ hướng ước mơ ra các khu vườn rộng rãi, thoáng mát ở khu vực ngoại thành. Thế nhưng để so sánh với sự tiện lợi cho đời sống hàng ngày, các khu đại đô thị với đầy đủ các chức năng vẫn là sự lựa chọn của phần lớn gia đình.