Bất động sản công nghiệp sẽ là tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam?
Thời gian gần đây, bất động sản công nghiệp là lĩnh vực được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm nhờ yếu tố vĩ mô là sự chuyển đổi, phát triển từ nền kinh tế nông sang công nghiệp và dịch vụ tại Việt Nam, cũng như yếu tố thời cuộc với nhiều dấu hiệu tích cực xuất hiện trên thị trường như các thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp, sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới
Tổng quan thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam
Khái niệm bất động sản công nghiệp
Bất động sản công nghiệp là những dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, từ việc chủ đầu tư cho thực hiện và xây dựng các công trình như: xây kho bãi cho thuê, nhà xưởng cho thuê, khu đô thị, kho bảo quản cho thuê, văn phòng công ty cho thuê và các dự án đầu tư mặt bằng phục vụ cho việc sản xuất công nghiệp.
Thực trạng thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam
Điểm sáng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến hết sức phức tạp nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 7 tháng qua vẫn đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số 18 ngành và lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam, thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với hơn 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP (tổng sản phẩm trong nước) quý 2 năm 2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ 2020, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2 năm 2020. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. Trong đó, ngành xây dựng và công nghiệp đã chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất.
Số liệu ghi nhận trên được xếp vào hàng cao so với các đất nước khác trên thế giới, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề cho kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, khi nhìn từ chỉ số về FDI của nền kinh tế vĩ mô cũng như sự quan tâm đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản công nghiệp Việt Nam được được đánh giá là phân khúc “sáng” đối với thị trường nhà đất trong năm 2021.
Cụ thể, tính tới ngày 20/6/2021, tổng lượng vốn FDI thâm nhập vào ngành công nghiệp sản xuất đạt 6,97 tỷ USD. Vốn sản xuất hiện tại đang đạt ở mức 3,38 tỷ USD, cao hơn mức 3.23 tỷ USD so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, rất nhiều thương vụ đầu tư lớn đã diễn ra trong thị trường trong nửa đầu năm nay. Ví dụ như tại miền Bắc, gần 500 triệu USD đã được đầu tư vào Công ty Jinko Solar Hong Kong cho việc xây dựng Khu Công Nghiệp sông Khoai, tại Quảng Yên (Quảng Ninh) hoặc Fukai Technology từ Singapore cho Khu Công Nghiệp Quang Châu thuộc tỉnh Bắc Giang.
>> Đọc thêm bài viết liên quan: Bất động sản công nghiệp thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Phó giám đốc Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội - bà Hoàng Nguyệt Minh cũng đã chia sẻ rằng, bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam đang và sẽ trở thành một điểm sáng nhờ ưu thế từ Hiệp định thương mại tự do và sự căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Điều này đã hỗ trợ tương đối tốt trong quá trình chuyển giao công nghệ và kiến thức, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp mang tính địa phương và giá trị thấp sang các ngành có giá trị tốt và cao hơn. Bên cạnh đó, đối tượng thu hút dòng tiền trong thời gian tới đây sẽ là các khu công nghiệp đã được quy hoạch dự kiến.
Mặt khác, các chuyên gia cũng tin rằng, nhu cầu về kho vận logistics cũng sẽ là cơ hội hỗ trợ đáng kể trong việc giúp bất động sản công nghiệp phát triển mạnh trong tương lai tới cùng với bất động sản công nghiệp truyền thống.
Nhìn chung, dù năm 2020 và 2021 vẽ ra một bức tranh toàn cảnh khá tiêu cực vì dịch bệnh, bất động sản công nghiệp vẫn chứng kiến một sự tăng trưởng tương đối tốt. Từ ngắn hạn cho đến trung hạn, vẫn sẽ có rất nhiều hoạt động đầu tư lớn cho công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, như dự báo, khi dịch bệnh được kiểm soát và khống chế, phân khúc này sẽ bứt phá một cách mạnh mẽ về cả nguồn cầu lẫn cung.
Bất động sản công nghiệp khu vực miền Bắc 2021
Nguồn cung: Báo cáo quý II/2021 của JLL đã ghi nhận thêm nguồn cung mới từ công nghiệp Yên Mỹ tại Hưng Yên của chủ đầu tư Viglacera Yên Mỹ tại thị trường bất động sản cho thuê tại miền Bắc, từ đó tăng tổng số diện tích đất công nghiệp cho thuê lên gần 9.700 ha. Bên cạnh đó, chủ đầu tư Viglacera cũng đang dự kiến tiến hành khởi công khu công nghiệp Thuận Thành I ở Bắc Ninh vào năm 2021.
Ngoài ra, nguồn cung mới cũng đã xuất hiện ở thị trường nhà xưởng xây sẵn, hầu hết tập trung ở Hải Dương, từ đó tăng tổng nguồn cung của nhà xưởng xây sẵn khu vực miền Bắc lên đến 1,9 mét vuông sàn. Đặc biệt hơn, thị trường còn ghi nhận thêm một số thương vụ M&A vào quý II/2021, điển hình là 49% cổ phần Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh được mua lại bởi Boustead Projects với mức giá tầm 6,9 triệu USD.
Cho dù vậy, dịch bệnh Covid 19 diễn ra vào cuối tháng 4 đã khiến cho thị trường công nghiệp trầm lắng hơn trong quý II/2021, bởi lúc này thị trường cũng chưa đón nhận thêm dự án FDI thật sự nổi bật, chủ yếu là các dự án có quy mô tương đối nhỏ.
Tỷ lệ lấp đầy: Bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ lấp đầy tại khu vực miền Bắc vẫn duy trì ổn định, sau khi hàng loạt các dự án tương đối lớn được công bố trong những quý IV/2020 và quý I/2021, như dự án LG display khi điều chỉnh để tăng vốn hoặc sự đổ bộ từ các ông lớn như Pegatron, Foxconn vào các khu công nghiệp khu vực phía Bắc.
Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp khu vực miền Bắc đang duy trì ở mức 75%, trong khi đó nhà xưởng xây sẵn lại chứng kiến tỷ lệ này giảm đi so với quý đầu của năm 2021 do ảnh hưởng từ nguồn cung mới trong thị trường.
Ngoài ra, chính vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động trong nửa đầu năm 2021 tăng 22% so sánh với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chiếm đến 11,9%, từ đó cũng có tác động tiêu cực đến tỷ lệ lấp đầy.
Giá thuê đất và nhà xưởng ổn định: Hàng loạt các khu công nghiệp tại Bắc Giang và Bắc Ninh vì dịch bệnh mà phải tạm ngưng sản xuất đã khiến cho đà tăng của giá đất công nghiệp bị kìm hãm. Vẫn giữ nguyên ở mức 107 USD/ m2/ chu kỳ thuê vào quý II/2021, giá đất ghi nhận một mức tăng 5,9% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, nhưng bị chậm lại so sánh với quý I/2021. Bên cạnh đó, giá thuê của nhà xưởng xây sẵn cũng đã ghi nhận đà tăng với mức thấp hơn so với quý I/2021.
Triển vọng thị trường: vùng Đông Bắc được đánh giá là có thị trường bất động sản công nghiệp sôi động. Dù chưa được xác nhận chính thức, nhưng việc Pegatron sẽ tăng gia tăng vốn đầu tư vào Việt Nam sau dự án tại thành phố Hải Phòng là một tín hiệu tích cực về nhu cầu bất động sản công nghiệp về tương lai.
Bên ngoài những tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ở vùng Đông Bắc như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên cũng đang nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư với lợi thế về giá thuê cũng như hạ tầng ngày càng được cải tiến và hoàn thiện. Giá của đất tại các khu vực này được dự đoán sẽ ngày càng tăng trưởng ở mức 8-10% so với giai đoạn cùng kỳ năm trước.
Không chỉ vậy, khu vực Đông Bắc cũng được dự báo là sẽ có thị trường nhà xưởng xây sẵn vô cùng sôi động với sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư mới như Công ty cổ phần công nghiệp KCN Việt Nam hoặc GNP Industrial.
Bất động sản công nghiệp khu vực miền Nam 2021
Nguồn cung: Báo cáo quý II/2021 của JLL đã ghi nhận thêm nhiều nguồn cung mới tại thị trường bất động sản cho thuê ở miền Nam. Đó là từ khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với chủ đầu tư là Trần Anh Group, từ đó tăng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Nam lên 25.220 ha.
Do đó, tỉnh Long An đang được tăng cường hơn với vị thế là một điểm đầu tư vô cùng hấp dẫn khác nhằm phát triển công nghiệp bền vững, ngoài hai tỉnh thành lâu đời là Đồng Nai và Bình Dương.
Tại thời điểm dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, số liệu chưa ghi nhận được nguồn cung mới tham gia vào thị trường nhà xưởng xây sẵn trong quý này, bởi nguồn cung hiện hữu đang đạt được 3.2 triệu mét vuông sàn.
Tỷ lệ lấp đầy ổn định: chính nhờ vào những chỉ số tăng trưởng nền kinh tế tương đối lạc quan, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt nam vẫn giữ một tiềm năng vô cùng to lớn cùng với những lợi thế tương đối độc đáo vốn có, nhờ vậy mà đã thu hút chuỗi cung ứng logistics cùng những nhà sản xuất.
Số liệu quý II/2021 của JLL cũng đã ghi nhận nhiều giao dịch được ký kết và hoàn thành tại Bà Rịa Vũng Tàu bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, các thỏa thuận thuê đất chủ yếu là do quỹ đất rộng lớn được yêu cầu từ các nhà sản xuất công nghiệp năng. 85% và 86% là tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn.
Trong đó, đất công nghiệp cũng ghi nhận nhiều giao dịch mới trong lúc đại dịch bùng phát, từ đó thể hiện rằng cả khách thuê lẫn chủ đầu tư cũng đã dần dần tìm ra được những phương án thích hợp để đối phó với đại dịch, tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng chứng kiến thêm một sự mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp đã hiện hữu ngoài những doanh nghiệp mới.
Giá đất đang ở trên đà tăng trưởng, trong khi đó giá thuê nhà xưởng xây sẵn thì bị chững lại. Đất công nghiệp được coi là ở một vị thế của hình thức đầu tư sản xuất lâu dài vẫn luôn duy trì mức đà tăng trưởng về giá tương đối ổn định qua các năm. Quý II/2021 đã chứng kiến việc các chủ đầu tư khu công nghiệp khu vực miền Nam thiết lập đỉnh giá trung bình mới là 113 USD/m2/chu kỳ thuê, một mức tăng 7.1% so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi giá đó, mức giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt ở mức trung bình khoảng 4,5 USD/m2/tháng cho cả khu vực miền Nam, chỉ vượt 0.5% so với giai đoạn cùng kỳ bởi ảnh hưởng của đại dịch, có tác động lớn đối với các hoạt động cho thuê của loại hình bất động sản xây sẵn này.
Triển vọng thị trường: giá thuê sẽ tiếp tục tăng khi cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Tới thời điểm lúc này, Việt Nam vẫn đang được công nhận là một trong những đất nước thành công trong việc hạn chế và kiểm soát đại dịch Covid-19. Điều này đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố và xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư đối với một môi trường kinh doanh tiềm năng như Việt Nam.
Chính quyền các tỉnh cũng luôn luôn không ngừng xây dựng và cải thiện mới hệ thống cơ sở hạ tầng với những tầm nhìn tươi sáng về nền sản xuất của đất nước Việt Nam tương lai. Điển hình ở đây có thể kể đến các dự án như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; tất cả đều nằm ở các khu vực công nghiệp thị trường chủ lực xung quanh Sài Gòn.
Dự kiến, giá thuê đất công nghiệp tại khu vực miền Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đối với thị trường nhà xưởng xây sẵn, sẽ có khoảng hơn 940.000m2 sẽ được ra mắt vào những quý cuối của năm 2021, trong trường hợp nếu như tình hình dịch bệnh có tiến triển và thị trường hồi phục.
Thách thức, cơ hội và tiềm năng của bất động sản công nghiệp Việt Nam
Những khó khăn cơ bản của thị trường bất động sản công nghiệp
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết thị trường bất động sản nói chung đang phải chịu một áp lực không nhỏ từ đại dịch, cũng như sự thay đổi những thủ tục hành chính. Có thể thấy, những doanh nghiệp đầu tư liên tục gặp phải khó khăn bởi các công trình đang trong giai đoạn thi công phải chịu gián đoạn trong một khoảng thời gian tương đối dài cùng với chuỗi cung ứng hàng hóa biến động khiến cho việc làm ăn trở nên thua lỗ.
Dễ thấy, trong những lần bùng phát đại dịch trước, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải giải thể, phá sản do hậu quả lớn để lại. Thực tế cho thấy, các hoạt động bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng đang bị giảm sút đi từ 60 - 70%. Số liệu thống kê ghi nhận khoảng 50% các sàn giao dịch phải ở trong trạng thái ngừng hoạt động. Do sự thiếu hụt nguồn cung, khách hàng không còn dành quá nhiều sự quan tâm, nhà đầu tư không dám mạo hiểm mà thay vào đó là tập trung lực lượng để khắc phục hậu quả.
Đối với thị trường bất động sản công nghiệp nói riêng, dịch bệnh COVID-19 cũng đặt ra thách thức trong các hoạt động logistics, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa để phục vụ đầu tư, trong hoạt động logistic hay sản xuất kinh doanh.
Cơ hội của thị trường bất động sản công nghiệp
So sánh giữa khó khăn và cơ hội, tuy rằng những thử thách kể trên đã phần nào ảnh hưởng đến việc nhà đầu tư người quyết định đầu tư bất động sản nhưng nếu nghĩ một cách sáng suốt, rõ ràng lợi thế đang nghiêng về bên cơ hội. Bất động sản khu công nghiệp đang ngày càng thể hiện rõ xu hướng được mọi người đầu tư trong tương lai.
Những năm gần đây, nhu cầu thuê đất và nhà máy gia tăng đột biến, là lý do khiến cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên sôi nổi hơn, nhộn nhịp hơn. Tín hiệu đáng mừng cho thấy bất động sản công nghiệp đang ngày càng khởi sắc, đó là việc tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang ngày càng gia tăng.
- Vốn đầu tư FDI từ đất nước Hồng Kông và Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh
Trong tổng số vốn đầu tư FDI 31.8 tỷ USD vào Việt Nam, lĩnh vực sản xuất và chế biến chiếm đến 68% (Theo báo cáo thống kê trong 11 tháng năm 2019). Khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta đang không ngừng tăng lên, nhờ đội ngũ lao động trẻ, môi trường chính trị ổn định và nhất là tiềm năng phát triển rộng mở.
- Hiệp định thương mại tự do mới mang đến nhiều cơ hội (FTA)
Tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được chính phủ Việt Nam ký, với hi vọng lớn GDP của nước ta sẽ tăng trưởng thêm 1.32% vào năm 2035. Việt Nam đang và sẽ tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới hiện nay, đây chứng tỏ là một tín hiệu rất khả quan với sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), hay còn được gọi tắt là EVFTA cũng là một hiệp định mang tính lịch sử, được hoàn thành ký kết vào tháng 6/2019. Đây được coi như là một bước tiến vô cùng quan trọng trong quan hệ giữa EU và Việt Nam. Theo đó, có thể thấy rằng những khoản thuê quát được xóa bỏ hàng loạt với mục đích thúc đẩy thương mại hai bên.
Từ các hiệp định này, Việt Nam sẽ nhận được thêm nhiều cơ hội để giao lưu và có thêm nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật từ các nước phát triển, chuyển đổi từ việc xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp, cho đến hàng hóa giá trị cao hơn. Tuy vậy, dù có thêm nhiều cơ hội để giúp nền kinh tế phát triển, nhà đầu tư cũng gặp nhiều thách thức ở trong những giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, việc áp dụng dây chuyền công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ lao động để sản xuất hiện đại cũng sẽ tạo ra một động lực lớn để tăng trưởng, từ đó đẩy mạnh lên mức tối đa tốc độ công nghiệp hóa.
- Tác động tích cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Một cơ hội mới cho bất động sản Việt Nam đã được mở ra khi Mỹ và Trung Quốc xảy ra căng thẳng trong một khoảng thời gian khá dài gần đây. Trung Quốc sắp thực hiện các chính sách dịch chuyển nhà máy từ nước họ sang các địa điểm mới, một trong những địa điểm lý tưởng mà các công ty nhắm đến và lựa chọn là Việt Nam.
Theo báo cáo nửa đầu 2019 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất tại Đông Nam Á khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra. So với mức giá cho thuê khu công nghiệp ở Trung Quốc thì rõ ràng, ở Việt Nam mức giá “hời” hơn rất nhiều. Cụ thể, ở Việt Nam giá chỉ có từ 100 - 140 USD/m2 trong khi ở Trung Quốc lên tới tận 180 USD/m2/chu kỳ.
Savills Việt Nam cho biết, nhiều tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng, may mặc, điện tử như Foxcom, Lenovo, Nintendo, Hanwha, Shuafu... đã di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ đón nhận một lượng lớn các chuyên gia, kỹ sư, người lao động từ các tập đoàn này. Nhờ vào lý do này, tất cả các phân khúc khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi chứ không chỉ bất động sản công nghiệp.
Tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp trong tương lai
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung, đã nói: "Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố: chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...". Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phát triển hơn nữa. Điều này được thể hiện qua các tiềm năng có sẵn, cộng với những tiềm năng mới ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Cụ thể:
- Tỷ lệ lấp đầy tương đối cao
Báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế thì tính đến tháng 11/2019 đã cho thấy, cả nước ta có tổng cộng 335 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, bao gồm 79 KCN đang xây dựng và 256 KCN đã được đi vào hoạt động. Số liệu ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình ở mức 75% trở lên. Cho dù vậy, nguồn đất công nghiệp cũng liên tục được tăng cao nhờ sự tăng trưởng mạnh trong tốc độ phát triển công nghiệp.
Từ đó, có thể thấy, bất động sản công nghiệp có sức hút không hề kém cạnh những phân khúc khác. Ở thời điểm hiện nay, đây chính là một phân khúc với lựa chọn an toàn.
- Giá thuê có xu hướng tăng
Bất động sản công nghiệp ở Việt Nam có mức giá thuê ở mức tương đối cao, tầm khoảng 95 USD/m2 cho chu kỳ thuê 50 năm. Ở nhiều nơi có tốc độ phát triển mạnh, mức giá còn cao hơn nữa. Điều này đã thể hiện được nhu cầu thuê lớn, do đó mức giá mới được đẩy lên cao. Để khai thác được lợi thế của thị trường nói chung, nhà đầu tư nên tận dụng tối đa nguồn lực của mình.
- Sự hình thành của nhiều cụm công nghiệp trọng điểm
Tại khu vực phía Bắc, nhờ có sự đổi mới trong chính sách hạ tầng, thủ tục pháp lý, chúng ta có thể kể đến những cụm công nghiệp tiêu biểu như Hà Nội, Hải Phòng. Còn khu vực miền Trung, tập trung ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có Đà Nẵng và Quảng Ngãi cũng thu hút được rất nhiều dự án đầu tư bất động sản mới. Phía Nam là khu vực có diện tích lớn nhất cả nước, đây cũng là một trong những lợi thế khiến cho khu vực này trở thành khu vực phát triển năng động nhất, có thể kể đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An.
- Sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống tới hiện đại
Các khu công nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng đổi mới để trở nên phát triển và hấp dẫn hơn, nhằm đón đầu xu hướng vốn đầu tư nước ngoài đổ về. Sự dần chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại là một trong những thay đổi lớn nhất. Nhất là các khu công nghiệp miền Nam.
Cụ thể:
- Các khu công nghiệp đã xây dựng nhà xưởng cao tầng: thay vì sử dụng mô hình truyền thống thì họ đã chuyển sang mô hình khu thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng.
- Không chỉ vậy, việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Song song với nó là hoạt động cho thuê bất động sản công nghiệp, ví dụ như cho thuê văn phòng làm việc, giáo dục, căn hộ, các dịch vụ giải trí, mua sắm, vui chơi,...
- Việc nghiên cứu mô hình kiểu mới cung cấp dịch vụ cũng là một trong những vấn đề tiếp tục cần chú trọng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo…
Kết hợp với sự chuyển đổi này, một khía cạnh đang ngày càng được chú trọng và trở thành xu hướng trong giai đoạn tới sẽ là yếu tố xanh. Việc duy trì chất lượng môi trường sống khi kết hợp giữa sản xuất và khu dịch vụ, tiện ích, nhà ở trong cùng một dự án là cực kỳ cần thiết. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng dự án bất động sản xanh đúng nghĩa vẫn chưa thực sự nhiều, nhất là ở phân khúc bất động sản công nghiệp, mặc dù đã được tuyên truyền khuyến khích. Tuy vậy, sự xuất hiện của Trần An Group tiên phong ứng dụng hạng mục xanh trong dự án Khu công nghiệp Trần An Tân Phú tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lại là một số tín hiệu khá tích cực cho thị trường hiện nay. Dự án này mang đến khá nhiều kỳ vọng về một không gian sống và làm việc theo các tiêu chuẩn hiện đại, tiện nghi và chất lượng. Dự kiến trong năm 2021, Khu công nghiệp sẽ chính thức đi vào hoạt động.
>> Đọc thêm bài viết liên quan: Đô thị xanh được ưa chuộng hậu Covid 19
Vinhomes lấn sân sang Bất động sản công nghiệp Việt Nam
Theo Đại hội cổ đông vừa diễn ra trong năm nay, Vinhomes đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 90.000 tỷ đồng tương đương với mức tăng trưởng 26% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 35.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24%.
Trước đó, Vinhomes chạm mức doanh thu thuần hợp nhất là 71.547 tỷ đồng vào năm 2020; lợi nhuận trước thuế cùng năm đạt 36.517 tỷ đồng, so với năm 2019 tăng trưởng 23% và lợi nhuận sau thuế đạt 28.207 tỷ đồng, so với năm 2019 tăng 16%. Không chỉ dừng lại ở đó, trong năm 2020; 53.743 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại đã được Vinhomes bàn giao cho khách hàng. Ngoài ra, Vinhomes còn bàn giao một số dự án có thể kể đến Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park,...
Trong thời gian tới, tập trung phát triển bất động sản công nghiệp sẽ trở thành một định hướng quan trọng của Vinhomes. Điều này còn giúp tạo thêm nguồn thu nhập thường xuyên.
Trong năm 2020, Vinhomes đã chính thức tham gia vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và thành lập một khối chuyên môn. Đến năm 2021, việc triển khai những dự án bất động sản công nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng, nơi có cơ sở hạ tầng tốt và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao sẽ được công ty thúc đẩy nhanh chóng.
Việc Vinhomes có khả năng tận dụng được cơ hội đến từ điều kiện thuận lợi về kinh tế vĩ mô và xu hướng tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam nói chung và khu vực sản xuất công nghiệp nói riêng một phần là nhờ định hướng phát triển các khu công nghiệp. Trong tương lai, bất động sản công nghiệp được công ty tin tưởng sẽ trở thành một mảng kinh doanh trụ cột, đóng góp nguồn thu lớn và ổn định cho Vinhomes.
>> Đọc thêm bài viết liên quan: Sự phát triển tất yếu của khu công nghiệp ven biển
Tổng kết
Qua bài viết trên, có thể thấy trong tương lai, bất động sản công nghiệp sẽ trở thành phân khúc đầu tư đầy tiềm năng và hy vọng hàng đầu, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Nhiều chính sách mới đã được Nhà nước đưa ra nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường này phát triển đúng và hết mức có thể với lợi thế tiềm năng sẵn có.
Xem thêm: